Ung thu phổi là gì?

🚫UNG THƯ PHỔI LÀ GÌ?🚫

🚩Ung thư phổi là sự sinh sản và tăng trưởng một cách không kiểm soát của các tế bào bất thường trong phổi. Khi các tế bào ung thư gia tăng, chúng gây cản trở đến chức năng phổi. Các tế bào ung thư này có thể sẽ từ phổi di căn đến các hạch trong lồng ngực, sang lá phổi đối diện hoặc đến các cơ quan khác trong cơ thể

🔺Có 2 nhóm ung thư phổi chính:

🔘Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (chiếm khoảng 85% các trường hợp ung thư phổi): bao gồm 3 dưới nhóm

- Ung thư phổi typ biểu mô tuyến (chiếm khoảng 40% ung thư phổi)

- Ung thư phổi typ biểu mô vảy (chiếm khoảng 30% ung thư phổi)

- Ung thư phổi typ biểu mô tế bào lớn (chiếm khoảng 15% ung thư phổi)

🔘Ung thư phổi tế bào nhỏ

Triệu chứng của ung thư phổi bao gồm: ho kéo dài, thở rít, khàn tiếng, khó thở, nuốt đau, ho máu, viêm phổi, gầy sút cân, mệt mỏi kéo dài, đau ngực.

🔻Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi:

• Tiền sử hút thuốc lá – hút thuốc lá thụ động

• Tiền sử gia đình bị ung thư phổi

• Tiền sử bản thân bị ung thư như

• Tiền sử bị COPD hoặc xơ hóa phổi

• Tiền sử tiếp xúc với tia phóng xạ

• Tiền sử tiếp xúc với amiăng hoặc với các tác nhân gây ung thư khác như: asen, berili, cadmi, crom, bụi than, bồ hóng, silic, chất đốt diesel

Zalo

🔴SÀNG LỌC UNG THƯ PHỔI

📌Sàng lọc giúp chẩn đoán bệnh sớm, trước khi các triệu chứng xuất hiện để điều trị sớm giúp đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Các test sàng lọc bao gồm:

📌CT liều thấp (LDCT): giúp phát hiện sớm các tổn thương nhỏ trên phổi với liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường

📌PET scans: có thể được sử dụng để đánh giá kĩ hơn những nốt thấy trên CT ngực liều thấp nếu không rõ là các nốt này là ung thư hay không

📌CT liều thấp theo dõi định kì sau đó: có thể sau 3,6 hoặc 12 tháng nếu không thấy tổn thương trên CT ngực liều thấp hoặc các tổn thương có nguy cơ ung thư thấp

📌Sinh thiết tổn thương.

🔶CHẨN ĐOÁN UNG THƯ PHỔI

🔸Khám lâm sàng: Các bác sĩ sẽ khám đánh giá tình trạng bệnh nhân, các triệu chứng lâm sàng, các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân, tìm các dấu hiệu di căn nếu có

🔸CT-scan ngực: tìm, đánh giá các tổn thương nốt, khối trên phổi và các hạch trong lồng ngực: đánh giá kích thước, số lượng, tính chất tổn thương, vị trí và số lượng các hạch trong lồng ngực

🔸PET/CT scan: PET/CT scan giúp chẩn đoán giai đoạn, phát hiện di căn, chẩn đoán tái phát, theo dõi đáp ứng điều trị và lập kế hoạch xạ trị.

🔸Sinh thiết: sinh thiết khối u phổi làm giải phẫu bệnh giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán typ ung thư. Sinh thiết có thể qua nội soi phế quản, nội soi phế quản siêu âm, sinh thiết qua nội soi lồng ngực, sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT-scan, sinh thiết hạch, sinh thiết mổ mở.

🔸Nội soi phế quản, nội soi phế quản siêu âm: quan sát đường thở giúp chẩn đoán giai đoạn và có thể sinh thiết tổn thương trong lòng phế quản, sinh thiết xuyên vách phế quản hoặc sinh thiết hạch trung thất

🔸Nội soi trung thất: đánh giá và sinh thiết hạch trong trung thất

🔸Nội soi lồng ngực: đánh giá và sinh thiết hạch trong lồng ngực

🔸Xét nghiệm đột biến gen: EGFR, ALK

XN yếu tố gắn kết gây chết tế bào theo chương trình: PDL1, PD1

🔸Các xét nghiệm đánh giá di căn: siêu âm bụng, MRI sọ não, xạ hình xương…

🔸Các xét nghiệm đánh giá trước điều trị: chức năng hô hấp, đo thể tích khí thân, các xét nghiệm máu

♻️ĐIỀU TRỊ

Bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị dựa trên nhiều yếu tố. Hiệu quả của các phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, thời điểm phát hiện và điều trị bệnh, thể trạng bệnh nhân, chế độ chăn sóc sức khỏe và dinh dưỡng… Những phương pháp điều trị chính của ung thư phổi bao gồm:

✅Phẫu thuật: là phương pháp điều trị triệt căn, đặc biệt với các trường hợp được chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm. Phẫu thuật tiến hành để loại bỏ hoàn toàn thùy phổi chứa khối u và bóc hạch. Tuy nhiên tại nước ta, số trường hợp phát hiện bệnh sớm là ít nên phương pháp phẫu thuật ít khi được sử dụng.

✅Xạ trị: là phương pháp được áp dụng khá phổ biến. Xạ trị là sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được chỉ định ở những bệnh nhân có giai đoạn không phẫu thuật được hoặc trước hoặc sau phẫu thuật để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Phương pháp xạ trị có thể gây ra nhiều biến chứng như: chán ăn, buồn nôn, đỏ vùng ra chiếu xạ, viêm da, sưng tấy da, viêm gan…

✅Hóa trị: là truyền hóa chất có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư theo đường tĩnh mạch. Hóa trị được áp dụng cho những bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn hoặc kết hợp với các liệu pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị. Phương pháp này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: thiếu máu, buồn nôn, nôn ói, cơ thể suy kiệt, thiếu chất, suy giảm miễn dịch, rụng tóc…

✅Điều trị đích: chỉ định cho bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ liên quan đến các đột biến gen. Các thuốc điều trị đích nhằm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư, ít tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

✅Điều trị miễn dịch: giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng diệt các tế bào ung thư nhờ việc phát hiện ra các điểm kiểm soát tế bào ung thư. Hiện có một sốt thuốc điều trị miễn dịch nhưng giá thành thường rất cao.

(Nguồn: Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai)
Chia sẻ trên:

Các tin khác