❓Thuật ngữ “Đường hô hấp” dùng để chỉ hệ thống nằm giữa mũi/miệng và các phế nang nhỏ nhất của phổi. Hệ thống này được chia thành 2 phần: đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên bao gồm: mũi, họng, thanh quản và một phần trên của khí quản.
💢Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp là: cúm, viêm amydal, viêm xoang, viêm thanh quản…, các nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…
⭕️ Bình thường khi hít thở, không khí được niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi – họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản. Đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, phổi) được bảo vệ bằng một số cơ chế:
👉Thứ nhất: sụn nắp thanh thiệt hoạt động như một chiếc nắp đậy lên thanh quản, tránh cho các chất như thức ăn, dịch ở đường hô hấp trên rơi vào khí phế quản.
👉Thứ hai: trên bề mặt niêm mạc khí phế quản có những tế bào hình đài bài tiết chất dịch nhầy và lớp tế bào biểu mô với nhiều lông chuyển nhỏ (nhung mao) trên bề mặt. Lớp dịch nhầy kết dính các phân tử bụi, vi khuẩn, virus có trong không khí hít thở vào. Trong lớp niêm dịch này có một số yếu tố bảo vệ như kháng thể làm ức chế hoạt động của các virus, vi khuẩn. Các nhung mao trên bề mặt phế quản chuyển động đẩy lớp niêm dịch theo hướng từ các phế quản nhỏ lên các phế quản lớn như phế quản thuỳ, phế quản gốc. Từ đó, dịch nhầy được ho khạc ra hoặc do tự động nuốt xuống đường tiêu hóa trong khi ngủ. Ở lớp dưới niêm mạc phế quản và trong vách các phế nang cũng có các tế bào đại thực bào, các tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn.
❎Các bệnh hô hấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những bệnh lý thường gặp bao gồm: viêm phế quản cấp, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản… Dự phòng bệnh phổi bao gồm các biện pháp phòng tránh các nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh nhằm làm giảm tỷ lệ người mắc mệnh và mức độ nặng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến các phòng tư vấn của các cơ sở y tế để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp, có hiệu quả.
Các nhiễm trùng đường hô hấp trên thường do virus và điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng (nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau hạ sốt). Tuy nhiên, các nhiễm trùng do virus có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn, do đó đôi phải điều trị thêm kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm. Ngược lại, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường do nguyên nhân vi khuẩn. Viêm tiểu phế quản và viêm phổi có thể dẫn đến các biến chứng và đòi hỏi phải nhập viện. Tần suất mắc hàng năm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới dao động ở người trưởng thành khoảng 8-120/1000 dân tùy theo độ tuổi. Đặc biệt, sau tuổi 70, thì tần suất mắc nhiễm trùng hô hấp dưới là 120/1000 dân. Tỷ lệ tử vong do các bệnh nhiễm trùng, nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do viêm phổi vào khoảng 0,004 đến 0,09/1000 dân/năm ở độ tuổi trước 60. Nhưng sau tuổi 60, tỷ lệ tử vong do các nhiễm trùng đường hô hấp lên tới 4,9/1000 dân/năm, và sau tuổi 85, tỷ lệ này lên tới 29/1000 dân.
‼️Các biến chứng nhiễm trùng hô hấp, đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp dưới nếu không được chẩn đoán, xử trí và điều trị kịp thời, có thể gây hàng loạt các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
🔸 Biến chứng tại phổi: Bệnh có thể lan rộng ra nhiều thùy phổi và gây hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển. Tỷ lệ tử vong rất cao (khoảng 60%). Nếu điều trị kháng sinh không đủ liều lượng và thời gian có thể gây áp xe phổi, bệnh nhân sốt dai dẳng và khạc đờm có mũi hôi.
🔸 Biến chứng ngoài phổi có thể xuất hiện. Vi khuẩn gây bệnh tại phổi có thể vào máu, đi đến các cơ quan nội tạng khác và gây các ổ áp xe ở các cơ quan khác, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể có viêm mủ màng phổi, tràn dịch màng tim.
🔸 Biến chứng tim mạch: rối loạn nhịp tim, suy tim trong tình trạng sốc hay viêm nội tâm mạc cấp do phế cầu khuẩn.
🔸 Biến chứng tiêu hóa: vàng da, vàng mắt do suy gan vì thiếu oxy và tan máu, đôi khi có biểu hiện tiêu chảy nhất là ở trẻ em.
🔸 Biến chứng thần kinh: vật vã, mê sảng, lú lẫn, nhất là ở người già và người nghiện rượu.
🔸 Biến chứng xa: viêm khớp, viêm tai xương chũm, thậm chí là viêm màng não.
🔷 Ngoài ra, bệnh nhân mắc các nhiễm trùng hô hấp cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến lao động và học tập. Ở các đối tượng lao động trẻ tuổi, người ta ước tính rằng có khoảng 9% phải nghỉ việc dưới 6 tháng vì lý do bệnh tật do nhiễm trùng đường hô hấp.
✅ Ngày nay, do tiến bộ của y học nên việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của nhiễm trùng đường hô hấp đã tốt hơn, nhưng đôi khi vẫn còn gặp nhiều biến chứng. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người nghiện rượu, hút thuốc lá và có các bệnh kèm theo như suy giảm miễn dịch, suy tim sung huyết, đái tháo đường.
✅Do vậy, vấn đề phòng bệnh là hết sức quan trọng, nên lưu ý một số phương pháp phòng bệnh đơn giản có thể áp dụng ngay cho các thành viên trong gia đình bạn từ ngày hôm nay như loại bỏ các chất kích thích có hại như thuốc lá, thuốc lào, giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh. Tiêm vaccin phòng phế cầu, phòng cúm cho những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc viêm phổi (tuổi >65 hoặc tuổi từ 2-64 nhưng mắc một số bệnh mạn tính như, suy giảm miễn dịch, bệnh máu ác tính, hội chứng thận hư, ung thư, đái tháo đường, xơ gan, nghiện rượu, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ghép tủy hoặc ghép tạng…)
——————🎀🎀————-🎀🎀——————–
🏥 Đăng ký khám tại: Phòng Tái khám Hô hấp – 415, Tầng 4 – Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Bạch Mai
☎Hotline đặt lịch khám: 0886.068.558
🌐 Website: http://benhhohap.com.vn/
💌Facebook: https://www.facebook.com/trungtamhohapbvbachmai
📧 Official Zalo: https://zalo.me/4429658540211371590
⏯Youtube: https://www.youtube.com/channel/UC4xLZ-bi_dfhdz5bFerUKaA