Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại nhu mô phổi do các căn nguyên vi khuẩn, virus, nấm gây nên. Đây là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 450 triệu người trên khắp toàn cầu. Tỉ lệ tử vong do viêm phổi khoảng 7% mỗi năm. Tỉ lệ này lớn nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 75 tuổi.
Các triệu chứng của viêm phổi rất thay đổi. Có thể biểu hiện từ mức độ nhẹ tới nặng có thể đe doạ tính mạng, khởi phát đột ngột hoặc từ từ. Viêm phổi được biểu hiện bởi rất nhiều triệu chứng.
Ho là triệu chứng thường xuất hiện sớm, ho thành cơn hoặc thứng thắng, thường là ho có đờm. Trường hợp điển hình ho có màu rỉ sắt. Ngoài ra có thể ho đờm vàng xanh. Đờm có thể có mùi hôi, thối.
Ngoài ra các bạn còn có thể cảm thấy đau ngực, khó thở. Triệu chứng này biểu hiện tuỳ thuộc mức độ nặng của viêm phổi.
Trường hợp viêm phổi nhẹ bệnh nhân có thể không hoặc chỉ khó thở nhẹ. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có biểu hiện suy hô hấp: tím tái, thở nhanh nông, co kéo các cơ hô hấp.
Một triệu chứng khác của viêm phổi cũng có thể sẽ làm bạn lo lắng đó là sốt. Sốt thành cơn hoặc sốt liên tục cả ngày, kèm rét run hoặc không. Mức độ sốt có thể dao động từ sốt nhẹ 38-38,50C đến sốt cao 39- 400C.
Cá biệt những trường hợp bệnh nhân sức đề kháng suy giảm như người già, trẻ nhỏ có thể không sốt mà biểu hiện bằng tình trạng hạ thân nhiệt.
Khi có các biểu hiện lâm sàng trên người bệnh sẽ được các bác sỹ khám và chỉ định cho bạn làm một số xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng của bệnh.
Chụp X quang phổi là xét nghiệm thường được các bác sỹ chỉ định để xác định và đánh giá tổn thương phổi.
Xét nghiệm máu và đờm: có thể xét nghiệm máu để đếm số lượng bạch cầu, định lượng các yếu tố chỉ thị viêm. Ngoài ra máu và đờm còn được lấy để cấy tìm những căn nguyên gây bệnh.
Ai là người dễ mắc viêm phổi?
Một số người dễ mắc viêm phổi. Những người này bao gồm:Tuổi > 65, trẻ nhỏ, người nghiện thuốc lá, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, người có bệnh phổi mạn tính như xơ phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người có các bệnh lý nội khoa như: đái tháo đường, suy tim, bệnh tim bẩm sinh…bệnh nhân tai biến mạch não, người có tình trạng miễn dịch suy giảm như: nhiễm HIV, sử dụng corticoid kéo dài, hoá trị ung thư…
Cần làm gì khi bị viêm phổi?
Viêm phổi là bệnh nguy hiểm. Khi bị viêm phổi bạn cần phải có thái độ đúng đắn để không làm bệnh nặng thêm. Lời khuyên của các chuyên gia hô hấp dành cho bạn là tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà. Bạn cần nhanh chóng đi gặp bác sỹ tốt nhất là bác sỹ chuyên khoa hô hấp để được khám và điều trị kịp thời. Đồng thời bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sỹ về chế độ thuốc men và nghỉ ngơi.
Bạn cần làm gì để mau chóng hồi phục?
Các bác sỹ thường sẽ khuyên bạn dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước để giúp đờm trong họng được loãng hơn và bạn sẽ dễ dàng hơn khi khạc đờm. Bạn cần nhớ rửa tay xà phòng sau khi sờ vào mũi miệng, trước khi ăn, sau khi ho hắt hơi. Và để hạn chế lan truyền tác nhân gây bệnh cho mọi người xung quanh bạn cần ho, hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào mặt trong cánh tay, ống tay áo.
Bạn cần làm gì để phòng ngừa viêm phổi?
Để phòng ngừa viêm phổi bạn cần có một lối sống lành mạnh, tập luyện nâng cao thể lực, không hút thuốc lá, tránh xa rượu bia. Nếu bạn thuốc nhóm đối tượng có mắc các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, suy tim, tiểu đường… cần theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh kể trên. Ngoài ra một biện pháp phòng ngừa viêm phổi hiệu quả mà các bác sỹ sẽ thường khuyên bạn đó là tiêm vác xin phòng phế cầu và vác xin phòng cúm. Một lưu ý nhỏ dành cho bạn đó là không nên tiêm vác xin khi bạn đang bị bệnh hay đang mang thai.