⭕️⭕️ VIÊM PHẾ QUẢN ⭕️⭕️

❗️Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, đường dẫn không khí đến và đi từ phổi. Thông thường hay gặp viêm phế quản cấp tính, bệnh lý được cải thiện trong vòng vài ngày và khỏi không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu viêm phế quản tái phát nhiều lần có thể hình thành tình trạng viêm phế quản mạn tính, bệnh lý có thể kéo dài dai dẳng, khó điều trị khỏi hẳn.
⚠️ Viêm phế quản cấp tính thường dễ nhận biết với các biểu hiện: ho khan tăng dần hoặc ho khạc đờm thường là đờm trắng trong đôi khi có thể ho khạc đờm vàng, đờm xanh nếu có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn đi kèm; ho tăng về đêm, khi gặp lạnh hoặc khói bụi, đau rát họng và ngực sau ho nhiều, mệt mỏi, có thể sốt trong những ngày đầu và đi kèm các triệu chứng như nhiễm cúm trước đó ( sốt, đau đầu, đau mỏi người, hắt hơi, tăng tiết dịch mũi họng, đau họng), một số ít trường hợp có thể kèm khó thở.
🔖 Các triệu chứng này sẽ giảm hoặc khỏi không để lại di chứng sau khi tình trạng viêm phế quản thuyên giảm. Ngược lại, nếu tình trạng ho khạc đờm tăng lên, sốt cao không hạ hoặc khó thở và đau ngực tăng hoặc các triệu chứng kéo dài quá 5-7 ngày không cải thiện, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để loại trừ các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp khác.
🔖 Viêm phế quản mạn tính chủ yếu biểu hiện tình trạng kích thích niêm mạc đường hô hấp trong thời gian dài: ho khạc đờm thường xuyên và kéo dài, tăng vào lúc sáng sớm ngủ dậy hoặc khi gặp lạnh hoặc khi hít phải các loại khói, mùi khó chịu: khói thuốc lá, thuốc lào, khói đốt rơm (củi hoặc than)… có thể kèm tức ngực hoặc khó thở. Về lâu dài, viêm phế quản mạn tính có thể khởi phát dẫn đến các rối loạn thông khí nghiêm trọng hơn ví dụ như bệnh phổi tắc nghãn mạn tính (COPD).
💡Nguyên nhân gây viêm phế quản có thể do: virus ( virus hợp bào hô hấp, cúm..), vi khuẩn (thường bội nhiễm sau nhiễm virus, ví dụ: phế cầu, Hemophilus influenza…) , các yếu tố môi trường: không khí quá lạnh, quá khô, quá ẩm, các loại khói bụi (khói thuốc lá, thuốc lào, khói đốt than củi/ rơm rạ, ô nhiễm môi trường..), hoặc do dị ứng (các loại phấn hoa, bụi nhà…).
💊 Điều trị viêm phế quản chủ yếu nhằm giảm bớt các triệu chứng quá mức khó chịu cho bệnh nhân và tăng cường sức đề kháng tránh bội nhiễm, một số trường hợp viêm phế quản cấp do căn nguyên vi khuẩn có thể cần điều trị kháng sinh nhưng chỉ trong thời gian ngắn và cần sự xem xét chỉ định điều trị từ nhân viên y tế. Người bệnh nên: uống nhiều nước; giữ ấm cổ họng và vệ sinh đường hô hấp, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc với khói bụi, đến khám tại cơ sở y tế nếu triệu chứng không giảm. Người bệnh không nên: ăn uống đồ lạnh, thức ăn bị dị ứng; tiếp xúc trực tiếp với không khí khô lạnh, khói thuốc, bụi và hóa chất ô nhiễm; tự ý dùng thuốc kháng sinh; lao động quá sức, thức khuya, dùng rượu bia hoặc các chất cồn… 📝 Viêm phế quản cần chú ý hơn ở một số đối tượng như: người cao tuổi (>60 tuổi), người mắc bệnh lý mạn tính: tim mạch, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận mạn, đang điều trị các bệnh lý miễn dịch ( lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng thận hư...), đang dùng thuốc chống thải ghép, đang mắc bệnh lý ác tính…Viêm phế quản ở những bệnh nhân này có thể diễn biến nhanh và nặng hơn, khi đó, người bệnh cần được khám và theo dõi tại các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm những diễn biến nguy hiểm và điều trị đặc hiệu.
🛡 Để phòng bệnh viêm phế quản, cũng như đa số các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp khác, cần:
✅ Giữ vệ sinh mũi họng và vệ sinh thân thể
✅ Giữ ấm đường hô hấp
✅ Giữ môi trường sống sạch, thoáng
✅ Giữ chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ nhu cầu năng lượng
✅ Duy trì sinh hoạt, lao động hợp lý, rèn luyện thân thể
✅ Tuân thủ điều trị với những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính
✅ Tránh các dị nguyên gây dị ứng
✅ Tránh các loại khói, bụi, hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường
✅ Tránh tự ý dùng thuốc và lạm dụng thuốc
✅ Không hút thuốc
✅ Không lạm dụng các chất cồn, chất gây nghiện
(Nguồn: Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai)
Chia sẻ trên:

Các tin khác