❎❎ NHỮNG SAI LẦM TRONG ĐIỀU TRỊ NHIỄM TRÙNG HÔ HẤP ❎❎

⭕️ Tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề và biến đổi khí hậu bất thường khiến cho các bệnh lý hô hấp có chiều hướng gia tăng nhanh. Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Corona virus... Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong một thời gian dài làm gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và khiến cho nhiễm khuẩn hô hấp ngày càng phức tạp. Một lý do nữa cũng ảnh hưởng đến nhiễm trùng hô hấp là những quan niệm và hành vi sai lầm trong điều trị nhiễm trùng hô hấp.
 
⁉️ Chỉ định kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp cần được chỉ định bởi các bác sỹ, dùng loại kháng sinh nào, liều lượng và thời gian dùng tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng, trước khi kê đơn cho người bệnh. Trong khi đó, sai lầm đầu tiên là khi bị bệnh, người bệnh không đến khám bác sĩ ngay mà tự ý dùng thuốc bằng cách bắt chước đơn thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp của người khác, dựa vào kinh nghiệm lần bị nhiễm khuẩn hô hấp trước, đơn thuốc cũ của bản thân, dựa vào tư vấn không chuyên của hiệu thuốc hoặc chỉ gọi điện kể triệu chứng cho bác sĩ để xin đơn thuốc. Chính điều này khiến bệnh nặng hơn, khi đến viện khám thì đã ở giai đoạn muộn, có biến chứng, làm cho điều trị khó khăn và nhiều trường hợp nguy hại đến tính mạng. Bên cạnh đó, còn tăng nguy cơ dị ứng thuốc, sốc phản vệ có thể tử vong ngay khi dùng thuốc kháng sinh bừa bãi.
 
 
💡 Một tâm lý sai lầm nữa là khi người bệnh đi khám vì có triệu chứng bất thường của đường hô hấp luôn có xu hướng muốn được kê đơn thuốc kháng sinh. Đơn thuốc không có kháng sinh thì cho rằng là chưa được chữa đúng bệnh hoặc có tâm lý nghi ngờ không dùng thuốc, đi khám thêm nhiều nơi khác khiến cho việc điều trị bị chậm trễ. Thêm nữa, với nhiễm trùng hô hấp do vi rút thường sau 5 – 7 ngày các triệu chứng mới thuyên giảm, người bệnh với tâm lý sốt ruột lại thường tự ý dùng thêm thuốc kháng sinh. Tương tự với nhiễm trùng hô hấp do vi khuẩn thường sau 7 – 10 ngày triệu chứng mới thuyên giảm, nhưng sau 1 – 2 ngày dùng thuốc theo đơn, người bệnh chưa thấy đỡ thường tự ý đổi thuốc kháng sinh hoặc tăng liều kháng sinh hoặc mua phối hợp thêm kháng sinh. Một số trường hợp người dân khi thấy triệu chứng đỡ lại tự ý dừng thuốc, không dùng đủ liều. Chính những hành vi này đã khiến kháng sinh hiện nay bị “nhờn thuốc” do ngày càng xuất hiện các chủng vi khuẩn đột biến kháng kháng sinh mạnh, kháng sinh không còn tác dụng diệt vi khuẩn làm cho nhiễm trùng hô hấp dai dẳng và có thể diễn biến nặng.
 
💊 Tại Việt Nam, người bệnh thường có thói quen chữa bệnh qua truyền miệng, không đi khám tại các cơ sở y tế nằm trong sự quản lý của Bộ Y tế, dùng các biện pháp dân gian không qua kiểm duyệt của Bộ Y tế. Chưa kể một số nơi có những hủ tục khi bị ốm thì chữa bằng cúng bái hoặc tự mách nhau điều chế những loại thuốc không rõ thành phần dùng để uống, để xoa, đắp, dán lên ngực, để hít hoặc nhỏ vào mũi,... Nhiều trường hợp nhiễm trùng hô hấp thì không chữa được mà còn bị ngộ độc hoặc dị ứng nặng.
Yếu tố nguy cơ là sự lạm dụng kháng sinh diễn ra trong một thời gian dài TẠI Việt Nam, khiến tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp ngày càng phức tạp. Các nhóm kháng sinh liều thấp hiện nay hầu như không còn tác dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
 
🛡 Những lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa Hô hấp đến người dân giúp giảm mắc nhiễm trùng đường hô hấp là: Giữ môi trường sống sạch, thoáng, nói không với khói thuốc lá, thuốc lào, giữ ấm khi trời lạnh, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tập thể dục đều đặn. Đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường của đường hô hấp như sốt, ho khạc đờm, đau ngực, khó thở…Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc kháng vi rút. Đối với những người trên 65 tuổi, những người suy giảm miễn dịch, những người hay bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái diễn nhiều lần, những người mắc bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…nên tiêm vacxin phòng cúm, vacxin phế cầu.

(Nguồn: Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai)

Chia sẻ trên:

Các tin khác