Nhiễm khuẩn hô hấp cấp: Căn nguyên và các yếu tố nguy cơ

❎Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn của đường thở, nghĩa là từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản), cho đến phổi. Đây là nhóm bệnh lý thường gặp trong công đồng, nhưng là nguyên nhân nhập viện và gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, cũng như người lớn. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nặng nguy hiểm đến tính mạng.

🛑 Nhiễm khuẩn hô hấp cấp bao gồm: Viêm đường hô hấp trên: Viêm nhiễm vùng tai, mũi, họng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidal, viêm họng, Viêm đường hô hấp dưới: Viêm nắp thanh quản, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản viêm phổi....

🔷 Căn nguyên gây bệnh:

🔹 Phần lớn nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được gây ra bởi virus. Vì phần lớn virus có ái lực cao với đường hô hấp, khả năng miễn dịch của cơ thể với virus ngắn, yếu và khả năng lây lan của virus dễ dàng. Những virus gây bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thường gặp là: Virus hợp bào hô hấp (respiratory Syncitial virus), virus cúm (influenzae virus), virus á cúm (parainfluenzae virus), sởi, adenovirus, rhinovirus, enterovirus, coronavirus và nhiều chủng loại khác. Hiện nay, một số virus có độc lực cao như virus cúm A H5N1, H7N9 có thể lây nhanh thành dịch lớn, gây viêm phổi nặng, thậm chí là dẫn tới tử vong.

🔹 Các loại vi khuẩn thường gặp gây bệnh là: Hemophilus influenzae (H.I), phế cầu (Streptococcus Pneumoniae), Moracella catarrhalis, Klebsiella Pneumoniase, Chlamidia Trachomatis, Staphylococcus Aureus... Trong đó, phế cầu và Hemophilus influenzae là những vi khuẩn thường gặp nhất gây bệnh, ở cả người lớn và trẻ em.

🔶Các yếu tố nguy cơ

🔸Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra nhiều yếu tố nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Các nhiễm khuẩn này thường gặp và diễn biến phức tạp ở trẻ em, người già, người suy giảm hệ thống miễn dịch.

🔸Ở trẻ em, trẻ thiếu cân khi sinh có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao hơn. Suy dinh dưỡng, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ cũng làm tăng khả năng mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp với thời gian điều trị kéo dài hơn, tiên lượng xấu hơn trẻ bình thường được nuôi bằng sữa mẹ. Ngoài ra, trẻ em thường không có thói quen rửa tay, dùng tay bẩn dụi mắt, hoặc mút ngón tay, hậu quả làm lây lan các loại virus.
🔸Ở người già, khi cơ thể lão hóa, hệ thống miễn dịch bị suy yếu, và mắc nhiều bệnh mạn tính nên cũng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp hơn người trẻ.
Những người có hệ miễn dịch bị suy giảm, như sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng corticosteroid kéo dài, ung thư... cũng tăng khả năng mắc nhiễm khuẩn hô hấp, cũng như các nhiễm khuẩn toàn thân khác.

🔸Tình trạng ô nhiễm nội thất, khói bụi trong nhà, ô nhiễm tại nơi làm việc sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ niêm mạc hô hấp, giảm sự tiết nhầy, giảm quá trình hoạt động của các đại thực bào nên dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp.

🔸Thuốc lá cũng là nguồn gốc gây ô nhiễm không khí rất nguy hiểm. Thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến cơ chế bảo vệ của đường thở chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn. Thuốc là làm suy giảm hệ thống bảo vệ này, nên người hút thuốc có nguy cơ mắc các nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn người không hút thuốc. Trẻ em có bố mẹ hút thuốc lá sẽ làm tăng khả năng viêm phổi lên nhiều lần.

🔸Thời tiết lạnh, thay đổi đột ngột, thời điểm chuyển mùa, thay đổi các vi sinh vật, xuất hiện các loại virus mới cũng là một điều kiện thuận lợi gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
🔸 Nhà cửa chật chội, ẩm thấp, thiếu vệ sinh, đời sống kinh tế thấp cũng là môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, kết hợp với thói quen sinh hoạt không tốt làm tăng tốc độ lây lan các mềm bệnh này.

👉 Tóm lại, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có thể được gây nên do virus, hoặc vi khuẩn. Bệnh thường gặp ở trẻ em, người cao tuổi, và các đối tượng suy giảm miễn dịch. Để giảm tỷ lệ mắc bệnh cần các biện pháp can thiệp tích cực vào các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

(Nguồn: Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai)

Chia sẻ trên:

Các tin khác